Thịt trâu gác bếp: Đặc sản dân tộc Thái ở Tây Bắc
Mục Lục
Đặc sản chuyên dùng thiết đãi khách quý
Thịt trâu gác bếp là món ăn quen thuộc của nhóm các dân tộc thiểu số ở miền Bắc Việt Nam. Để chuẩn bị món ăn này, người làm phải chọn thịt trâu ngon, tẩm ướp và tiến hành quá trình sơ chế kỹ lưỡng…. Cùng tìm hiểu về món thịt trâu gác bếp để hiểu tại sao nhiều người sẵn sàng chi tiền triệu để thưởng thức món ăn này nhé!
Cách làm thịt trâu gác bếp
Đặc sản thịt trâu gác bếp là món ăn nổi tiếng nhất nhì của các dân tộc thiểu số ở miền Bắc nước ta. Thịt thành phẩm có hương vị thơm ngon, hấp dẫn nhiều người, nhất là dân nhậu. Điểm đặc biệt ở đây là thịt không phải loại xé sợi như thịt bò khô thường được bán trong siêu thị mà là loại nguyên miếng, vẫn còn ám mùi khói.
Miếng thịt dùng để làm thịt trâu gác bếp được lấy từ những chú trâu béo, được chăn thả tự nhiên, không cám công nghiệp, không tồn dư kháng sinh, chất kích thích. Hơn nữa, vùng đồi núi đường xá gập gềnh, trâu lại được chăn thả xa, đi lại nhiều nên chất thịt chắc và ngọt hơn. Những miếng thịt tươi ngon nhất trong con trâu được chọn rồi tẩm ướp gia vị, treo lên gác bếp, hong khô bằng than hồng của củi rừng và khói bếp, tạo nên nương vị thơm ngon đặc trưng.
Mỗi nơi, mỗi gia đình đều có bí quyết gia truyền để chế biến thịt trâu gác bếp. Tuy nhiên, sản phẩm nhận được khá thuần nhất. Có thể liệt kê các công đoạn chính để làm thịt trâu gác bếp gồm:
Bước 1
Chọn con trâu to béo, khỏe mạnh, xẻ thịt, lấy những phần thịt ngon nhất, loại bỏ gân, lọc bỏ hết bạc nhạc, rửa sạch, để ráo nước rồi mới thái miếng. Miếng thịt được thái dọc theo thớ thành những miếng con chì dài khoảng 20cm, dày khoảng 5cm.
Bước 2
Để thịt vào âu hoặc chậu lớn, cho các gia vị đã chuẩn bị sẵn như muối, ớt, gừng, hạt mắc khén (một loại gia vị được ví như hạt tiêu rừng ở vùng Tây Bắc), nước lá rừng…. Tùy khẩu vị và bí quyết mà người làm có thể gia giảm gia vị cho phù hợp. Tuy nhiên, ở bước này người làm thịt trâu gác bếp thường sẽ không có nhiều muối vì nếu cho nhiều thì thịt khô sau một thời gian gỡ khỏi gác bếp sẽ nhanh bị ướt.
Bước 3
Sau khi ướp, dùng mâm hoặc lồng bàn đậy chậu thịt trâu lại, để trong khoảng 1 – 2 giờ để thịt ngấm gia vị. Dùng que tre hoặc xiên sắt xiên thịt lại rồi gác lên bếp để hun khói. Thịt nên treo cách bếp khoảng 1m để tránh thịt bị khô nhanh, dính bụi bẩn. Đặc biệt, các miếng thịt cũng không nên để sát vào nhau mà nên để cách 1 chút để thịt được hụn khói chín đều, chất lượng đảm bảo.
Bước 4
Hun liên tục từ 12 – 15 giờ cho thịt có mùi đỏ đẹp và dậy mùi đặc trưng của thịt trâu gác bếp là được. Nếu làm để gia đình ăn thì người dân tộc thiểu số thường không gỡ thịt ra ngay mà thường treo cao hơn. Dùng đến đâu gỡ đến đấy.
Cách dùng thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp cho hương vị khá lạ. Miếng thịt bên ngoài màu đen, bên trong màu đỏ đậm, dậy mùi thơm. Khi ăn thử sẽ thấy thịt có phần dai, vị đậm, ngọt, cay và thơm nồng trên từng thớ thịt. Thịt trâu gác bếp thường được dùng làm món ăn vặt, ăn chơi, dùng trong khi nhậu đều rất ngon.
Khi mua thịt trâu gác bếp về người mua cần lưu ý có một số cách dùng thịt trâu gác bếp chính gồm: Cho vào lò vì sóng ở chế độ rã đông, quay trong khoảng 2 phút để đảm bảo thịt mềm ra nhưng không bị khô, đập dập theo chiều dài thớ thịt, xé thành miếng nhỏ; cho lên bếp than nướng qua như nướng mực rồi xé nhỏ hoặc trực tiếp cho chảo lên bếp đun cho nóng, bỏ miếng thịt trâu vào đảo cho miếng thịt nóng lên, đập dập, xé nhỏ là dùng được ngay.
Lưu ý khi dùng thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp rất thơm ngon nhưng nếu không cẩn thận, người dùng có thể mua phải loại thịt trâu giả được làm từ thịt lợn nái.
Để nhận diện loại thịt này, bạn chỉ cần ghi nhớ thịt trâu gác bếp rất cứng và dày. Khi làm nóng, đập dập thì miếng thịt sẽ dãn đều, dễ xé thành sợi dài. Tuy nhiên, nếu là thịt lợn làm giả thì miếng thịt dễ bị vụn. Đồng thời, thịt trâu thường có vị ngọt đậm, sợi xé ra có màu đỏ tươi còn thịt lợn nái có màu nhạt hơn và cũng không được đậm đà bằng.